Tôm sú là gì? Giá bao nhiêu? Các loại tôm sú, gợi ý món ăn và cách chế biến
Giữa những loại hải sản phổ biến, chắc bạn đã từng nghe nhắc đến cái tên tôm sú. Vậy tôm sú là gì? Tôm sú bao nhiêu 1kg? Hãy cùng trả lời những câu hỏi này cùng chuyên mục Mẹo vào bếp của Vifoods trong bài viết này nhé!
1:Tôm sú là gì?
Đặc điểm tôm sú
Tôm sú, tên khoa học là Penaeus monodon, là một loại tôm được ưa chuộng khắp thế giới. Tôm sú được biết đến là loài tôm biển, phân bố trải dài từ bờ Đông Châu Phi đến tận bờ biển Nhật Bản. Ở một số vùng biển Đông Úc, Địa Trung Hải, Hawaii và bờ biển Đại Tây Dương của Mỹ cũng xuất hiện loài tôm này nhưng với số lượng không nhiều.
Tôm sú có kích thước lớn, trung bình dài khoảng 36cm mỗi con và đồng thời khối lượng cũng lớn hơn so với các loại tôm khác, lên đến 650gr/con. Vỏ tôm dày gồm nhiều màu như đỏ, nâu, xám, xanh đan xen. Thịt tôm sú cũng dai và chắc hơn so với tôm thẻ.
Tôm sú là loài động vật máu lạnh nên rất dễ bị ảnh hưởng bởi khí hậu. Trước kia, tôm sú chỉ sinh sống ở biển nhưng do thị hiếu người tiêu dùng nên loại tôm này đã được nuôi trồng ở các vùng nước ngọt.
Giá trị dinh dưỡng của tôm sú
Tôm sú là một nguồn dinh dưỡng dồi dào với protein và nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Đặc biệt, tôm sú không chứa chất béo và có hàm lượng calories tương đối thấp. Lượng dinh dưỡng có trong 1 con tôm sú như sau:
- Natri: 76.7mgr
- Carbohydrates: 1.5gr
- Chất xơ: 0.2gr
- Protein: 3.2gr
- Canxi: 1% DV
- Sắt: 2% DV
- Kali: 1% DV
2: Các loại tôm sú phổ biến
Tôm sú mẹ
Tôm sú mẹ còn được gọi với nhiều tên gọi khác như tôm sú biển, tôm sú loại 1 hay tôm sú tự nhiên. Đây là loại tôm to bằng cổ tay, ngang ngửa với tôm hùm xanh. Nguồn cung của tôm sú mẹ không nhiều chính vì vậy giá nó khá cao so với tôm sú nuôi.
Thịt tôm sú mẹ đặc biệt ngon, ngọt, thịt săn chắc mang hương vị đặc trưng của biển cả. Tôm sú mẹ có thể nói là "ngang sức ngang tài" với tôm hùm nhờ hương vị không hề thua kém nhưng lượng thịt lại nhiều hơn. Đây là lựa chọn tuyệt vời cho những người đam mê hải sản.
Tôm sú Cà Mau
Tôm sú Cà Mau là một trong những đặc sản của đất phương Nam. Loại tôm này được nuôi trồng hoàn toàn tự nhiên, ăn những thức ăn tự nhiên nhờ những kỹ thuật canh tác phức tạp.
Thịt của tôm sú Cà Mau ngon ngọt, săn chắc, kích thước cũng tương đối lớn hơn so với tôm thẻ, dài tầm 10 - 13cm. Nhờ hương vị của nó mà giá thành của loại tôm này tương đối cao, nhưng vẫn thấp hơn so với tôm sú mẹ.
3: Phân biệt tôm sú nuôi và tôm sú biển
Ngày nay, do nhu cầu của thị trường, tôm sú đã được nuôi trồng khá phổ biến. Tuy nhiên, những con tôm sú đánh bắt tự nhiên vẫn cho hương vị ngon và đặc sắc hơn. Để đảm bảo cho bữa ăn, bạn cần phân biệt được tôm sú nuôi và tôm sú biển thông qua hình dáng bên ngoài của nó.
Tôm sú biển tự nhiên thường có màu đỏ hoặc ánh vàng đặc trưng, kích thước to và không đồng đều. Trong khi đó, tôm sú được nuôi sẽ có màu xanh giống với những loại tôm khác, kích thước nhỏ hơn so với tôm sú biển.
4: Tôm sú làm món gì ngon?
Nhờ thịt săn chắc và hương vị mang mùi biển đặc trưng, tôm sú có thể dùng để chế biến rất nhiều món ngon. Đối với món hấp có thể kể đến tôm sú hấp bia, món nướng sẽ là tôm sú nướng phô mai hoặc tôm sú nướng muối ớt. Ngoài ra, tôm sú còn có thể dùng để nấu canh hoặc làm món tôm sú rang me cũng rất hấp dẫn.
Cách làm canh cải cúc (tần ô) tôm sú
5: Cách bảo quản tôm sú tươi
Cách bảo quản tôm sú sống
Bảo quản hải sản tươi sống đòi hỏi nhiều kỹ thuật chuyên môn, đặc biệt với loài tôm sú.
Cho tôm sú tươi sống vào nước, bọc lưới lại để tránh tôm sú nhảy ra ngoài. Bạn cần đảm bảo đây là nguồn nước sạch và tĩnh hoặc chỉ gợn sóng nhẹ. Ngoài ra, cần đảm bảo rằng mật độ tôm không quá 300 con/m3 và phải dùng máy bơm oxi cho tôm.
Đây đều là những thao tác phức tạp, cần chuyên môn cao và các đồ dùng chuyên dụng. Vì vậy việc bảo quản tôm sú sống chỉ có ở các cơ sở kinh doanh, cơ sở chế biến thức ăn hoặc các nhà hàng lớn.
Cách bảo quản tôm trong tủ lạnh
Bảo quản tủ lạnh là cách phù hợp nhất để bảo quản tôm ở các gia đình và được nhiều bà nội trợ lựa chọn.
Trước hết, bạn cần sơ chế tôm. Nhặt bỏ râu tôm, dùng bàn chải để vệ sinh thân tôm rồi rửa lại với nước sạch. Để ráo tầm 10 phút trước khi đưa đi đông đá.
Khi tôm đã khô ráo, bạn cho tôm vào các hộp đựng thực phẩm, đậy kín nắp hộp, lau sạch phần vỏ hộp bên ngoài rồi cho vào ngăn đông tủ lạnh. Nhiệt độ thấp sẽ ngăn cản vi khuẩn phát triển, từ đó có thể bảo quản tôm sú lâu dài.
Tuy nhiên, tôm sú ăn ngon nhất vẫn là ăn khi còn tươi, trữ đông lâu ngày sẽ làm giảm độ ngon của nó. Bạn chỉ nên bảo quản tôm tối đa 2 tuần để có thể thưởng thức món ăn tốt nhất.
6: Tôm sú bao nhiêu tiền 1kg?
Giá tôm sú phụ thuộc nhiều vào cách đánh bắt, cách bảo quản và nơi nuôi trồng. Ngoài ra còn phụ thuộc vào kích thước của từng con.
Đối với tôm sú biển, giá cho 20 - 25 con/kg (tháng 9/2021) khoảng 550.000đ, còn giá cho 30 - 35 con/kg rơi vào khoảng 450.000vnd.
Tôm sú nuôi sẽ có giá rẻ hơn, đối với 30 - 35 con/kg giá chỉ từ 350.000đ đổ lại.
4.9/5 (24 votes)